Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong 6 tháng đầu năm 2024, kết quả thu ngân sách do ngành Thuế quản lý ước đạt 865.350 tỷ đồng, vượt 15,3% so với cùng kỳ năm 2023(1). Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) ước đạt 68,9%, thể hiện sự phát triển và nguồn tài chính dồi dào từ các tổ chức kinh doanh.
Để giảm thiểu số thuế phải nộp và tối ưu hóa ngân sách cho hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần xác định rõ chi phí hợp lý và cách tính thuế đối với các chi phí này. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin tổng quan về các chi phí hợp lý cho doanh nghiệp, cùng với điều kiện tính thuế theo quy định mới nhất. Tìm hiểu ngay!
Nội Dung Chính
ToggleChi phí hợp lý là gì?
Chi phí hợp lý của doanh nghiệp là những chi phí cần thiết trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC, chi phí hợp lý được hiểu là những chi phí được phép trừ khi xác định thu nhập chịu thuế và tính thuế TNDN, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định về thuế TNDN.
Mặc dù, pháp luật không đưa ra định nghĩa cụ thể cho chi phí hợp lý bởi tính phức tạp và đa dạng về các khoản chi trong mỗi loại hình doanh nghiệp và lĩnh vực kinh doanh. Nhưng việc đáp ứng các điều kiện quy định sẽ giúp doanh nghiệp tính toán chính xác thu nhập chịu thuế.
Ví dụ, công ty thời trang ABC có các chi phí hợp lý cho doanh nghiệp năm 2024 sau đây:
- Lương nhân viên bán hàng và quản lý: 2 tỷ đồng/năm.
- Các khoản trợ cấp: 500 triệu đồng/năm.
- Chi phí thuê mặt bằng cửa hàng: 1 tỷ đồng/năm.
- Chi phí khấu hao tài sản cố định (kệ trưng bày và thiết bị tính tiền): 300 triệu đồng/năm.
- Chi phí mua nguyên vật liệu và phụ kiện may mặc: 1,5 tỷ đồng/năm.
- Chi phí quảng cáo và tiếp thị sản phẩm: 700 triệu đồng/năm.
Tổng chi phí hợp lý của công ty Thời Trang ABC trong năm 2024 là:
2 tỷ + 500 triệu + 1 tỷ + 300 triệu + 1,5 tỷ + 700 triệu = 6 tỷ đồng.
Giả sử doanh thu của công ty trong năm là 10 tỷ đồng và các khoản thu nhập khác không đáng kể. Thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp sẽ được tính như sau:
Thu nhập chịu thuế TNDN = Doanh thu – Chi phí hợp lý = 10 tỷ đồng – 6 tỷ đồng = 4 tỷ đồng.
Nếu thuế suất thuế TNDN áp dụng là 20%, số thuế công ty ABC phải nộp năm 2024 sẽ là:
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập chịu thuế x Thuế suất = 4 tỷ đồng x 20% = 800 triệu đồng.
Như vậy, các chi phí hợp lý đã giúp công ty giảm thu nhập chịu thuế từ 10 tỷ đồng xuống còn 4 tỷ đồng, qua đó tối ưu hóa khoản thuế phải nộp.
Các điều kiện để chi phí được xem là chi phí hợp lý trong doanh nghiệp
Để một khoản chi được xem là chi phí hợp lý trong doanh nghiệp, nó cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC. Cụ thể như sau:
- Liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh:
Khoản chi thực tế phát sinh phải liên quan trực tiếp đến việc tạo ra doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp, mà không phải là các chi phí cá nhân hoặc chi phí không cần thiết.
Ví dụ: Chi phí mua nguyên vật liệu cho sản xuất, chi phí thuê văn phòng, chi phí vận chuyển hàng hóa.
- Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp:
Mọi khoản chi phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định pháp luật, nhằm tạo cơ sở cho việc kiểm tra, đối chiếu khi cần thiết. Ví dụ: Hóa đơn mua sắm thiết bị, biên lai tiền thuê văn phòng, hợp đồng dịch vụ.
- Thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản chi lớn:
Đối với các chi phí lớn có hoá đơn mua hàng giá trị từ 20 triệu đồng trở lên/lần (đã bao gồm thuế GTGT), khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt. Ví dụ như các phương thức chuyển khoản ngân hàng, thanh toán qua thẻ tín dụng, phương tiện thanh toán điện tử. Đây là biện pháp nhằm tăng cường tính minh bạch và chống gian lận thuế.
Ví dụ minh họa: Công ty Thời Trang ABC mua một lô vải trị giá 50 triệu đồng. Để chi phí này được xem là hợp lý, công ty cần:
- Chứng minh rằng lô vải này được sử dụng cho hoạt động may sản phẩm kinh doanh.
- Có hóa đơn mua hàng hợp pháp từ nhà cung cấp.
- Thanh toán số tiền 50 triệu đồng này qua chuyển khoản ngân hàng.
Các chi phí hợp lý của doanh nghiệp
Sau đây, Dịch Vụ Thuế 24h sẽ tổng hợp và phân tích chi tiết về các chi phí hợp lý cho doanh nghiệp mà pháp luật quy định. Cùng tìm hiểu nhé!
Khoản chi đáp ứng đủ các điều kiện để được trừ khi tính thuế TNDN
Các khoản chi đáp ứng đủ ba điều kiện theo quy định của pháp luật như đã nhắc ở mục 2 bên trên, sẽ được khấu trừ vào tổng thu nhập tính thuế của doanh nghiệp.
Chi khấu hao tài sản cố định
Tài sản cố định của doanh nghiệp là các tài sản có giá trị lớn, sử dụng lâu dài trong quá trình sản xuất, kinh doanh, như máy móc, thiết bị. Khoản chi phí này sẽ được khấu hao vào chi phí kinh doanh theo từng kỳ kế toán, nếu thuộc các trường hợp sau:
- Tài sản cố định được sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phục vụ người lao động.
- Tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp
- Tài sản cố định được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành.
- Mức khấu hao phải tuân theo quy định của Bộ Tài chính về quản lý và trích khấu hao tài sản cố định.
- Tài sản cố định đã khấu hao nhưng còn giá trị.
Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa phần vượt mức tiêu hao hợp lý
Chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hóa chỉ được xem là hợp lý nếu không vượt quá định mức tiêu hao mà Nhà nước đã ban hành. Những chi phí này bao gồm:
- Chi phí mua nguyên vật liệu, vật liệu phụ, hàng hóa sử dụng cho sản xuất kinh doanh.
- Chi phí thuê tài sản, dịch vụ đóng gói, bảo quản, vận chuyển, bốc xếp và gia công.
Các khoản chi phí hợp lý không cần hóa đơn
Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thường gặp những khoản chi phí không có hóa đơn. Để các chi phí này được coi là hợp lý, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định và lập hồ sơ đầy đủ đối với từng trường hợp cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp cần lập bảng kê khi mua hàng hóa, dịch vụ của các đối tượng sau:
- Cá nhân không kinh doanh;
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm;
- Người dân tự sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra (không phân biệt doanh thu).
Lưu ý:
- Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của bảng kê.
- Nếu giá mua hàng hóa, dịch vụ trên bảng kê cao hơn giá thị trường, cơ quan thuế sẽ áp dụng giá thị trường để xác định chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
Ví dụ: Công ty ABC mua 50kg cá từ ngư dân với giá 10 triệu đồng để chế biến thực phẩm. Công ty lập biên bản bàn giao hàng hóa, hợp đồng mua bán, và bảng kê mẫu 01/TNDN kèm theo phiếu chi.
Trường hợp 2: Mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, doanh nghiệp cần lập hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau:
- Biên bản bàn giao;
- Hóa đơn mua tại Chi cục Thuế;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng dịch vụ;
- Chứng từ thanh toán: phiếu chi nếu chi trả bằng tiền mặt hoặc ủy nhiệm chi nếu thanh toán bằng tài khoản ngân hàng.
Ví dụ: Doanh nghiệp XYZ mua 100 triệu đồng vật liệu xây dựng từ một hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh này đến Chi cục Thuế mua hóa đơn và xuất hóa đơn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp sau đó nộp kèm biên bản bàn giao, hóa đơn, hợp đồng mua bán, và chứng từ thanh toán để quyết toán thuế.
Trường hợp 3: Thuê cá nhân làm việc theo dạng hợp đồng thời vụ, giao khoán
Doanh nghiệp ký hợp đồng thời vụ, giao khoán với cá nhân thực hiện công việc ngắn hạn, không ổn định lâu dài, thì phải khấu trừ thuế TNCN, thuế suất 10% trước khi chi trả tiền công cho cá nhân.
Ví dụ: Công ty ABC thuê ông Nguyễn Văn A làm bảo vệ thời vụ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Công ty ký hợp đồng thời vụ và khấu trừ thuế TNCN 10% trước khi chi trả. Hồ sơ gồm bản sao CCCD, hợp đồng, phiếu chi tiền lương cho ông A.
Trường hợp 4: Thuê tài sản của cá nhân
Doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan thuế nơi cá nhân có tài sản cho thuê để kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân.
Lưu ý: Hợp đồng thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/năm thì chỉ cần hợp đồng và chứng từ thanh toán. Hợp đồng thuê tài sản cá nhân có thỏa thuận tiền thuê chưa bao gồm thuế, doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân để chi phí được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN.
Ví dụ: Công ty XYZ thuê văn phòng từ một cá nhân với giá 8 triệu đồng/tháng. Hợp đồng thuê chưa bao gồm thuế, công ty nộp thuế thay cho cá nhân và lưu giữ hợp đồng, chứng từ thanh toán và giấy nộp thuế.
Chi phí thuê tài sản của cá nhân
Để hợp lý hóa chi phí thuê tài sản của cá nhân, doanh nghiệp cần lập hồ sơ để xác định chi phí được trừ, bao gồm hợp đồng thuê tài sản và chứng từ thanh toán rõ ràng.
Nếu hợp đồng thuê có thỏa thuận doanh nghiệp sẽ nộp thuế thay cho cá nhân, thì cần bổ sung chứng từ nộp thuế.
Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp nộp thuế thay cho cá nhân, nhưng có thỏa thuận tiền thuê tài sản chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thì chi phí hợp lý mà doanh nghiệp được trừ gồm cả tiền thuê tài sản và khoản đã nộp thuế thay cho cá nhân.
Ví dụ: Công ty A thuê văn phòng từ ông B với giá thuê 50 triệu đồng/tháng. Hợp đồng thuê tài sản quy định công ty A sẽ nộp thuế thay cho ông B. Công ty A cần lưu giữ hợp đồng thuê, phiếu chi tiền thuê hàng tháng và giấy nộp thuế thay cho ông B để chi phí này được tính vào chi phí hợp lý.
Chi phí tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho nhân viên
Các khoản chi phí từ tiền lương, tiền công, và tiền thưởng cho nhân viên được khấu trừ khi tính thuế TNDN nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Có chứng từ thanh toán hợp lệ và hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.
- Tiền thưởng, bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên được ghi rõ điều kiện và mức hưởng trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính hoặc quy chế thưởng của công ty.
- Có đầy đủ chứng từ cho các khoản phúc lợi cho nhân viên nước ngoài bao gồm tiền học cho con, tiền nhà, và tiền thuê nhà cho chuyên gia theo quy định.
- Khoản tiền công, tiền lương chưa được thực chi trước hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế trong kỳ tính thuế năm đó, nhưng doanh nghiệp có quỹ dự phòng tiền lương cho năm sau không quá 17% quỹ lương thực hiện.
- Thù lao cho người sáng lập, thành viên hội đồng thành viên, hội đồng quản trị công ty, nếu những người này trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.
Lưu ý: Mức chi bảo hiểm nhân thọ trên 3 triệu đồng/tháng/người hoặc không ghi rõ điều kiện hưởng sẽ không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ví dụ: Công ty B ký hợp đồng lao động với bà C, trong đó quy định mức lương cơ bản 20 triệu đồng/tháng và tiền thưởng cuối năm là 2 tháng lương. Công ty cần lưu giữ hợp đồng lao động, phiếu chi lương hàng tháng và phiếu chi tiền thưởng cuối năm.
Chi phí trang phục cho nhân viên
Chi phí trang phục cho nhân viên được tính vào chi phí hợp lý với một số điều kiện sau:
- Khoản chi bằng tiền:
Nếu chi phí không vượt quá 5 triệu đồng/người/năm, thì khoản này được tính vào chi phí hợp lý và không phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của nhân viên đó.
- Khoản chi bằng hiện vật:
Doanh nghiệp không bị giới hạn về mức chi nhưng phải có hóa đơn, chứng từ mua sản phẩm đầy đủ.
Lưu ý: Các điều kiện và mức hưởng chi phí trang phục cần ghi rõ trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính hoặc quy chế thưởng của công ty.
Ví dụ, Công ty Z chi 70 triệu đồng/năm để cấp phát áo đồng phục cho nhân viên (có hóa đơn đầy đủ), và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng tiền mặt/người cho các phụ kiện trang phục thì tổng khoản chi 71 triệu đồng đều được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp.
Chi phí thưởng sáng kiến, cải tiến
Các khoản chi thưởng sáng kiến và cải tiến được trừ vào thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp nếu doanh nghiệp có quy chế chi thưởng cụ thể và hội đồng nghiệm thu các sáng kiến, cải tiến. Điều này đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc xét duyệt và thưởng cho các sáng kiến có giá trị trong công ty.
Các khoản chi này phải được chi đúng đối tượng, đúng mục đích hoặc đúng mức chi theo quy định
Khoản chi phải được chi cho đúng đối tượng, đúng mục đích hoặc đúng mức chi theo quy định và có chứng từ hợp lệ để được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp. Những khoản chi này giúp đảm bảo quyền lợi và điều kiện sống tốt hơn cho lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì nguồn nhân lực sản xuất, kinh doanh ổn định.
Cụ thể, đối với lao động nữ, các khoản chi hợp lý bao gồm:
- Chi phí đào tạo lại nghề khi chuyển đổi công việc
- Tiền lương và phụ cấp cho giáo viên nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp tổ chức
- Chi phí khám sức khỏe bổ sung định kỳ trong năm.
- Chi phí bồi dưỡng sau sinh hai lần đầu.
- Phụ cấp làm thêm giờ khi lao động nữ không nghỉ sau sinh theo chế độ.
Ngoài ra đối với lao động là người dân tộc thiểu số, các khoản chi hợp lý bao gồm:
- Chi phí học phí kèm chênh lệch lương theo ngạch bậc (trả 100% lương cho người lao động khi đi học).
- Hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm xã hội và y tế nếu chưa được nhà nước hỗ trợ.
Phần chi không vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để trích nộp quỹ hưu trí và bảo hiểm cho nhân viên
Chi phí dùng để trích nộp quỹ hưu trí và bảo hiểm cho nhân viên sẽ được tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp nếu không vượt quá 3 triệu đồng/tháng/người. Các khoản chi này bao gồm: quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bảo hiểm nhân thọ.
Để các khoản chi này được công nhận, doanh nghiệp cần phải ghi rõ điều kiện và mức hưởng trong các hồ sơ như hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế tài chính của doanh nghiệp, hoặc quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định.
Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo đúng quy định hiện hành
Trợ cấp mất việc làm được áp dụng đối với các trường hợp sau:
- Công ty thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.
- Công ty gặp khó khăn về kinh tế.
- Công ty sáp nhập, hợp nhất, bán/ cho thuê, chuyển đổi loại hình, chuyển nhượng tài sản.
Lúc này, công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp cho những lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên. Thời gian làm việc để tính trợ cấp là tổng thời gian lao động thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian đã nhận trợ cấp trước đây (nếu có).
Cụ thể, với mỗi năm làm việc, người lao động nhận trợ cấp bằng 1 tháng tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi thôi việc. Nếu thời gian làm việc ít hơn 24 tháng, công ty trả trợ cấp mất việc ít nhất bằng 2 tháng lương.
Ví dụ: Anh A làm việc tại công ty X 18 tháng và lương trung bình 6 tháng cuối là 10 triệu đồng/tháng. Do thời gian làm việc dưới 24 tháng, anh A sẽ nhận trợ cấp mất việc là 2 tháng lương, tương đương 20 triệu đồng.
Chi phí thuê tài sản cố định
Chi phí thuê tài sản cố định được coi là hợp lý nếu không vượt quá mức phân bổ theo số năm mà bên đi thuê trả tiền trước. Việc phân bổ hợp lý chi phí thuê và sửa chữa tài sản cố định giúp công ty quản lý tài chính hiệu quả hơn và tuân thủ các quy định về thuế.
Đối với chi phí sửa chữa tài sản cố định thuê, nếu hợp đồng quy định bên đi thuê phải chịu trách nhiệm sửa chữa, thì chi phí này cũng được coi là chi phí hợp lý. Chi phí sửa chữa có thể được hạch toán ngay vào chi phí hoặc phân bổ dần nhưng không quá 3 năm.
Ví dụ, nếu chi phí sửa chữa là 90 triệu đồng, công ty có thể ghi nhận toàn bộ vào chi phí của năm hiện tại hoặc phân bổ dần, tối đa 30 triệu đồng mỗi năm trong vòng 3 năm.
Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép
Trong năm, công ty có thể chi trả phí đi lại và tiền thuê khách sạn, chỗ ở cho người lao động trong thời gian nghỉ phép, theo đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019. Khoản chi này sẽ được tính là chi phí hợp lý, nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ.
Các khoản chi phí khác
Ngoài các chi phí hợp lý cho doanh nghiệp đã kể trên, những khoản chi dưới đây cũng được xét giảm trừ khi tính thuế TNDN:
- Chi phí đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội, theo mức quy định của các Hiệp hội hợp pháp.
- Chi phí trả lãi tiền vay vốn từ tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế mà không vượt quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm vay.
- Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ đã đăng ký và góp đủ trong điều lệ doanh nghiệp (vốn đầu tư đối với doanh nghiệp tư nhân).
Điều kiện để tính thuế thu nhập doanh nghiệp và cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với chi phí hợp lý
Dưới đây là một số điều kiện cụ thể để khoản chi được tính vào các chi phí hợp lý trong doanh nghiệp và giảm trừ thuế TNDN, cũng như hướng dẫn chi tiết cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với từng trường hợp cụ thể:
Chi phí thuê cá nhân lao động theo thời vụ, giao khoán
- Phải có hợp đồng lao động thời vụ hoặc hợp đồng giao khoán.
- Có chứng từ thanh toán hợp lệ.
Cách tính thuế TNCN: Khấu trừ thuế TNCN với thuế suất 10% trên tiền lương, tiền công của lao động thời vụ.
Ví dụ: Công ty A thuê anh B làm việc thời vụ trong 3 tháng với mức lương 30 triệu đồng. Thuế TNCN sẽ là 10% của 30 triệu, tức là 3 triệu đồng.
Chi phí thuê các tài sản cá nhân
- Phải có giấy nộp tiền thuế.
- Chứng từ thanh toán hợp lệ.
- Hợp đồng cho thuê tài sản rõ ràng.
- Bản sao chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của chủ tài sản.
Cách tính thuế TNCN:
- Hợp đồng thuê dưới 100 triệu đồng/năm: không chịu thuế TNCN, thuế GTGT và lệ phí môn bài.
- Hợp đồng thuê trên 100 triệu đồng/năm: chịu thuế môn bài, thuế GTGT 5% và thuế TNCN 5% trên doanh thu.
Ví dụ: Công ty B thuê nhà của ông C với giá 120 triệu đồng/năm. Số tiền thuế ông C phải đóng như sau:
- Thuế TNCN và GTGT: 5% x 120 triệu = 6 triệu đồng. Tổng cộng hai loại thuế là 12 triệu đồng.
- Lệ phí môn bài: 300.000 đồng/năm (trường hợp ông C có doanh thu hàng năm từ nhà cho thuê từ 100 – 300 triệu đồng.
Chi phí mua hàng hóa, sản phẩm của cá nhân tự sản xuất, đánh bắt
- Phải có bảng kê mẫu số 01/TNDN kèm theo hồ sơ chứng từ mua hàng của người dân tự sản xuất, đánh bắt bán ra.
Cách tính thuế TNCN:
Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, nuôi trồng, lâm nghiệp, làm muối được miễn thuế TNCN nếu:
- Người dân thực tế cư trú tại địa phương (riêng đánh bắt thủy sản không phụ thuộc nơi cư trú).
- Sản phẩm chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế thông thường.
- Có quyền sử dụng đất, mặt nước, và trực tiếp tham gia lao động sản xuất.
Ví dụ: Công ty C mua 500 kg cá từ ngư dân D với giá 50 triệu đồng. Ngư dân D phải lập bảng kê số 01 kèm chứng từ mua hàng của công ty C, để thu nhập từ việc bán cá này được miễn thuế TNCN.
Chi phí mua hàng hóa, thuê tài sản của cá nhân có doanh thu dưới 100 triệu/năm
- Cần có bảng kê mẫu số 01/TNDN kèm theo hồ sơ chứng từ bao gồm hợp đồng, biên bản, chứng từ thanh toán và các giấy tờ liên quan.
Cách tính thuế TNCN:
- Nếu mua tài sản từ cá nhân không kinh doanh: không phải chịu thuế TNCN.
- Nếu thuê dịch vụ từ cá nhân không kinh doanh: khấu trừ thuế TNCN 10% theo diện tiền lương, tiền công.
- Nếu mua hàng hóa, thuê dịch vụ từ cá nhân kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống: không phải chịu thuế TNCN.
Chi phí mua hàng hóa, dịch vụ, thuê tài sản của cá nhân có doanh thu trên 100 triệu/năm
- Cần có hóa đơn hợp lệ kèm theo hồ sơ chứng từ như hợp đồng, biên bản giao hàng, chứng từ thanh toán và các giấy tờ liên quan.
Cách tính thuế TNCN:
Cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh tự kê khai thuế cho hoạt động kinh doanh của mình. Thuế TNCN được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu. Cụ thể như sau:
- Đối với dịch vụ: Thuế suất 2% trên doanh thu.
- Đối với mua bán hàng hóa: Thuế suất 0.5% trên doanh thu.
Ví dụ: Công ty B mua hàng hóa từ cá nhân C (kinh doanh với doanh thu hàng năm trên 100 triệu đồng). Nếu doanh thu từ việc bán hàng hóa của C là 200 triệu đồng/năm, thuế TNCN phải nộp sẽ là 0.5% của 200 triệu, tức là 1 triệu đồng. Nếu C cung cấp dịch vụ với doanh thu 200 triệu đồng/năm, thuế TNCN phải nộp sẽ là 2% của 200 triệu, tức là 4 triệu đồng.
Một số câu hỏi thường gặp liên quan đến chi phí hợp lý
Công ty X thu mua xoài từ người dân hàng ngày với giá trị trên 20 triệu đồng. Trong trường hợp này, công ty X có bắt buộc phải chuyển khoản thanh toán qua tài khoản ngân hàng không? Để chi phí này được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), công ty X cần phải làm những gì?
Công ty X không bắt buộc phải chuyển khoản thanh toán qua tài khoản ngân hàng khi thu mua xoài từ người dân hàng ngày với giá trị trên 20 triệu đồng. Để chi phí này được coi là chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty X cần phải làm các thủ tục sau:
- Lập bảng kê mẫu số 01/TNDN: Ghi đầy đủ thông tin như ngày, tháng thu mua; tên, CCCD/CMND người bán; địa chỉ, số lượng, giá trị mua hàng, có chữ ký xác nhận của người bán và người mua.
- Chuẩn bị hồ sơ cần thiết bao gồm:
- Biên bản bàn giao hàng hóa.
- Hợp đồng mua bán hàng nông sản.
- Bản sao CCCD của người cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
- Bảng kê mua hàng, dịch vụ không có hóa đơn.
- Chứng từ thanh toán: tiền mặt hoặc ủy nhiệm chi.
Công ty C muốn mua lại xe ba gác cũ từ anh A, xe này thuộc quyền sở hữu cá nhân của anh A và anh A không kinh doanh xe cũ. Công ty C cần chuẩn bị hồ sơ gì để đưa chiếc xe này vào tài sản của công ty?
Trường hợp này, anh A không kinh doanh xe cũ, nên khi công ty C muốn mua lại xe ba gác cũ từ anh A, công ty cần chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau:
- Hợp đồng mua bán: Ghi rõ các thông tin chi tiết về giao dịch giữa công ty và anh A.
- Biên bản bàn giao: Xác nhận việc bàn giao xe từ anh A cho công ty C.
- Chứng từ thanh toán: Ghi nhận chi tiết việc thanh toán cho anh A.
- Bảng kê mẫu 01/TNDN: Để ghi nhận mua tài sản từ cá nhân không kinh doanh.
- Giấy nộp thuế trước bạ: Thực hiện nghĩa vụ thuế trước bạ khi sang tên xe.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, công ty C có thể sang tên xe từ anh A thành công ty và đưa xe vào tài sản cố định để trích khấu hao theo quy định.
Công ty X ký hợp đồng thuê anh Y để lắp đặt lại hệ thống điện trong công ty. Công ty X cần chuẩn bị hồ sơ gì để tính chi phí này vào chi phí hợp lý?
Khi công ty X ký hợp đồng thuê anh Y để lắp đặt lại hệ thống điện, công ty cần chuẩn bị hồ sơ để tính chi phí này vào chi phí hợp lý, bao gồm:
- Hợp đồng dịch vụ: Ghi rõ các điều khoản về việc lắp đặt hệ thống điện giữa công ty X và anh Y.
- Biên bản nghiệm thu công việc lắp đặt hệ thống điện.
- Chứng từ thanh toán cho anh Y.
Trường hợp anh Y là cá nhân không kinh doanh: Công ty X phải khấu trừ thuế TNCN 10% trên số tiền dịch vụ trước khi chi trả. Nếu hợp đồng quy định tiền thuế TNCN do công ty chi trả, công ty X cần tính cả tiền thuế này vào chi phí.
Trường hợp anh Y là cá nhân kinh doanh hoặc hộ kinh doanh: Anh Y phải liên hệ với cơ quan thuế để mua hóa đơn, kê khai và nộp thuế trên số tiền dịch vụ.
Như vậy, để quản lý tài chính hiệu quả và tối ưu hóa lợi nhuận, chủ doanh nghiệp cần nắm rõ các chi phí hợp lý cho doanh nghiệp và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về thuế. Bằng cách xác định chính xác chi phí hợp lý, doanh nghiệp có thể tránh các rủi ro khi kê khai và nộp thuế, từ đó yên tâm phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Nếu bạn cần hỗ trợ trong việc xác định và quản lý các chi phí hợp lý, Dịch Vụ Thuế 24h luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, chúng tôi cam kết mang đến cho bạn những giải pháp thuế luật, kế toán nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm. Liên hệ ngay để nhận tư vấn miễn phí!
*Nguồn tham khảo:
(1) https://nhandan.vn/co-3263-dia-phuong-dat-tren-55-du-toan-thu-thue-6-thang-dau-nam-post818753.html